ACCA là gì? ACCA (Association of Chartered Certified Accountants) là tên viết tắt của Hiệp hội kế toán công chứng Anh quốc . Đây là Hiệp hội nghề nghiệp chuyên nghiệp quốc tế với gần 500,000 hội viên và học viên trên 180 quốc gia, trải rộng khắp các lĩnh vực từ Kiểm toán, Kế toán đến Tài chính, Quản trị.
1. ACCA là gì?
Chương trình ACCA bao gồm 14 môn (hai môn P1 và P3 sẽ được gộp lại từ kỳ Sep 2018) với đầy đủ các mảng kiến thức trong kinh doanh như: Kế toán, Kiểm toán, Tài chính, Quản trị, Thuế.
- Cấp độ cơ bản (Fundamental Level): gồm 9 môn
- Cấp độ chuyên nghiệp (Professional Level): gồm 5 môn (3 môn bắt buộc + 2 môn tự chọn)
Sau khi hoàn thành chương trình ACCA, bạn cần có thêm tối thiểu 3 năm kinh nghiệm và hoàn thành 1 bài kiểm tra đạo đức để được công nhận trở thành thành viên của Hiệp hội kế toán công chứng Anh quốc (ACCA member).
2. Học ACCA để làm gì?
Lợi ích của việc học ACCA
- Kiến thức trải dài trên nhiều lĩnh vực: Kế toán, Kiểm toán, Tài chính, Quản trị, Thuế.
- Chương trình học mang tính ứng dụng cao.
- Được chuyển đổi để lấy bằng CPA Việt Nam (Chứng chỉ Kế toán viên, Kiểm toán viên hành nghề của Việt Nam).
- Cơ hội lấy bằng Cử nhân của Đại học Oxford Brookes (Anh, xếp hạng 359 trên thế giới) sau khi hoàn thành các môn F
- Cơ hội lấy bằng Thạc sĩ của Đại học London sau khi hoàn thành các môn P.
- Cơ hội lấy bằng MBA (Thạc sĩ quản trị kinh doanh) của Đại học Oxford Brookes.
Lợi ích của một ACCA member
- Được tham dự các sự kiện cho thành viên do ACCA tổ chức. Từ đây, bạn có thể mở rộng mối quan hệ với rất nhiều anh chị làm Kế toán trưởng, Giám đốc tài chính, hay Tổng giám đốc doanh nghiệp.
- Nâng cao giá trị bản thân bởi bạn được phép ghi thêm chữ ACCA đằng sau tên của mình. Ví dụ: Nguyễn Lan Hương, ACCA.
- Mở rộng cơ hội nghề nghiệp bởi là một ACCA member đồng nghĩa với việc bạn có kiến thức và kỹ năng rất tốt, từ đó chắc chỉ cần cuộc nói chuyện nhỏ giữa bạn và nhà tuyển dụng để bạn có thể đi làm.
Cơ hội nghề nghiệp với ACCA
- Giám đốc điều hành (CEO);
- Giám đốc tài chính (CFO);
- Kiểm toán viên;
- Tư vấn thuế;
- Trưởng phòng tài chính/ quản trị doanh nghiệp;
- Các vị trí kiểm soát và quản lý ngân sách;
- Các vị trí chủ chốt tại các ngân hàng (CFO, Risk management, trưởng phòng Treasury)…
- …..
3. Học ACCA Chỉ Làm Được Kiểm Toán Hoặc Kế Toán?
Điều này là không đúng nhé.
Với cách tư duy và lượng kiến thức rộng lớn bao gồm cả Kế toán, Kiểm toán, Quản trị, Tài chính và Thuế, ACCA không chỉ để giúp bạn trở thành một kế toán hoặc kiểm toán viên chuyên nghiệp mà còn giúp bạn đảm nhiệm các vai trò quản lý trong doanh nghiệp.
Thực tế là chỉ có khoảng 30% thành viên ACCA làm kiểm toán, 70% còn lại làm cho các doanh nghiệp, làm trong các dịch vụ tài chính hoặc trong các cơ quan ban ngành của chính phủ (số liệu từ ACCA).