Hiệp định tránh đánh thuế hai lần và tầm quan trọng

Hiệp định tránh đánh thuế hai lần là gì (Double Tax Agreement – DTA)? Tại sao cần có các hiệp định này?

Trong thương mại quốc tế, việc cùng tồn tại nhiều hệ thống thuế khác nhau giữa các nước/vùng lãnh thổ dẫn tới việc một khoản thu nhập của một người nộp thuế có thể bị đánh thuế tại hai nơi khác nhau.

Điều này là do hầu hết các nước/vùng lãnh thổ đều thực hiện quyền đánh thuế của mình dựa trên 2 nguyên tắc: nguyên tắc cư trú và nguyên tắc nguồn. Đối tượng cư trú hay nguồn phát sinh thu nhập được xác định khác nhau theo quy định tại nội luật của từng nước/vùng lãnh thổ và trong nhiều trường hợp, một doanh nghiệp hoặc cá nhân có thể là đối tượng cư trú của hai (đối tượng cư trú đôi) hay nhiều nước. Do đó, việc đánh thuế trùng có thể xảy ra trong nhiều trường hợp như: hai hay nhiều nước đều đánh thuế trên thu nhập toàn cầu của cùng một người nộp thuế, hai hay nhiều nước cùng xác định một khoản thu nhập của một người nộp thuế phát sinh từ nước mình và cùng đánh thuế trên khoản thu nhập đó; một doanh nghiệp hay cá nhân là đối tượng cư trú của nước này nhưng có thu nhập phát sinh ở nước khác, do đó vừa phải nộp thuế (trên thu nhập toàn cầu) tại nước nơi các đối tượng này cư trú, vừa phải nộp thuế đối với khoản thu nhập phát sinh tại nước mà đối tượng này không phải là đối tượng cư trú.Việc đánh thuế trùng gây ra nhiều vấn đề như tạo rào cản thương mại, không khuyến khích đầu tư xuyên quốc gia, và cũng là nguyên nhân dẫn đến việc vi phạm nghĩa vụ thuế, trốn lậu thuế… Để giải quyết vấn đề đánh thuế trùng trên thu nhập của các đối tượng nêu trên, các nước thường ký kết Hiệp định song phương về thuế, còn gọi là Hiệp định tránh đánh thuế hai lần và ngăn ngừa việc trốn thuế đối với các loại thuế đánh trên thu nhập (và tài sản) (thường được gọi tắt là Hiệp định thuế – DTA), trong đó chủ yếu thỏa thuận việc phân chia quyền đánh thuế của mỗi Nước ký kết đối với một số khoản thu nhập của các đối tượng liên quan. Mục tiêu của việc ký kết Hiệp định thuế là để phân định quyền đánh thuế của mỗi bên tham gia ký kết Hiệp định thuế đối với từng loại thu nhập và tài sản nhằm tránh đánh thuế trùng và ngăn ngừa việc trốn lậu thuế đối với các loại thu nhập và tài sản, đồng thời loại bỏ một trong những rào cản về thuế làm hạn chế các hoạt động kinh doanh, thương mại và thu hút vốn đầu tư; ngăn ngừa việc trốn và/hoặc tránh các loại thuế đánh trên thu nhập và tài sản thông qua các qui định trao đổi thông tin về các đối tượng nộp thuế cũng như các cam kết trợ giúp trong công tác quản lý hành chính thuế giữa các bên ký kết; đảm bảo đối xử công bằng về nghĩa vụ thuế hoặc các trách nhiệm có liên quan giữa những đối tượng nộp thuế mang quốc tịch khác nhau nhưng trong cùng hoàn cảnh như nhau; và để tạo ra cơ chế giải quyết tranh chấp.

Thông qua Hiệp định thuế, các quốc gia tham gia Hiệp định đã tạo ra được một cơ chế để giải quyết các tranh chấp phát sinh từ việc chấp hành các luật thuế của mỗi Bên liên quan với các giao dịch qua biên giới. Cơ chế giải quyết tranh chấp được hình thành theo nguyên tắc thoả thuận song phương. Việc giải quyết các tranh chấp liên quan đến Hiệp định thuế được tiến hành trên cơ sở sự thỏa thuận giữa các nhà chức trách có thẩm quyền của cả hai bên.

Để thực hiện các mục tiêu này, các Hiệp định thuế thường thỏa thuận một số nguyên tắc, biện pháp để phân chia, xác định thẩm quyền đánh thuế của từng nước ký kết như: (1) Xác định quyền đánh thuế của nước nơi phát sinh thu nhập đối với một số khoản thu nhập (17 loại thu nhập) của đối tượng không cư trú; (2) Giới hạn mức thuế suất đánh trên một số khoản thu nhập từ đầu tư gián tiếp (tiền lãi cổ phần, lãi từ tiền cho vay, tiền bản quyền) và phí dịch vụ kỹ thuật của đối tượng không cư trú của nước nơi phát sinh thu nhập (ví dụ nếu thuế suất theo quy định của luật trong nước cao hơn mức thuế suất quy định tại Hiệp định thuế, thì sẽ áp dụng mức thuế suất theo quy định của Hiệp định thuế). Tuy nhiên, Hiệp định thuế không tạo ra các nghĩa vụ thuế mới, khác hoặc nặng hơn so với luật thuế trong nước. Ví dụ: trường hợp tại Hiệp định thuế có các quy định theo đó Việt Nam có quyền thu thuế đối với một loại thu nhập nào đó hoặc thu thuế với một mức thuế suất nhất định nhưng pháp luật hiện hành về thuế ở Việt Nam chưa có quy định thu thuế đối với thu nhập đó hoặc quy định thu với mức thuế suất thấp hơn thì sẽ áp dụng theo quy định của pháp luật hiện hành về thuế ở Việt Nam, nghĩa là không thu thuế hoặc thu thuế với mức thuế suất thấp hơn; (3) Cho khấu trừ số thuế đã nộp ở nước ngoài vào số thuế phải nộp tại nước cư trú (với điều kiện đã nộp thuế tại nước ngoài là đúng với quy định của luật nước ngoài và quy định của Hiệp định thuế có liên quan); (4) Ngăn ngừa việc trốn lậu thuế bằng cách tăng cường trao đổi thông tin giữa các Bên ký kết. Đây là quy định có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh hiện tượng lách thuế, chuyển giá của các doanh nghiệp nước ngoài ngày càng tinh vi ở Việt Nam.

Trong quá trình mở cửa nền kinh tế, để thu hút đầu tư, phát triển thương mại, Việt Nam đã đàm phán ký kết nhiều Hiệp định tránh đánh thuế hai lần với các nước/vùng lãnh thổ. Đến nay, Việt Nam đã ký Hiệp định tránh đánh thuế hai lần với 76 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

-st-

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.