Sếp Viettel tại Tanzania bị bắt vì nghi gian lận thuế, hãng nói gì?

Giám đốc điều hành của Viettel tại Tanzania đã bị tòa án nước này triệu tập và lưu giữ vì nghi gian lận thuế. Viettel nói đó chỉ là cáo buộc một chiều.

Giám đốc của Halotel bị bắt vì bị cáo buộc trốn thuế. Ảnh: Tanzania Today .

Ngày 7/6, Reuters đưa tin các công tố viên Tanzania đã buộc tội giám đốc điều hành của 2 công ty điện thoại di động và 4 nghi phạm khác với tội danh gian lận thuế.

Nghi vấn trốn thuế

Trong 2 lãnh đạo kể trên có một người quốc tịch Việt Nam là ông Lê Văn Đại, 35 tuổi, Giám đốc điều hành Halotel Tanzania, doanh nghiệp thuộc sở hữu của Tập đoàn viễn thông quân đội (Viettel). Người còn lại mang quốc tịch Ai Cập là Sherif El Barbary, Giám đốc điều hành Zantel.

4 nghi phạm khác, có 2 người mang quốc tịch Trung Quốc và 2 người Tanzania.

Hiện tại, các nghi phạm đều chối bỏ mọi cáo buộc nhưng họ đã bị giam giữ để chờ xét xử.

Các nghi phạm được cho là “âm mưu gian lận trong việc sử dụng cơ sở hạ tầng mạng”.

Họ cũng bị buộc tội “nhập khẩu và vận hành thiết bị liên lạc trái phép nhằm qua mắt hệ thống giám sát lượng truy cập viễn thông của chính phủ”.

Nhóm người này bị phát hiện khi sở hữu trái phép gần 300.000 thẻ SIM điện thoại di động chưa đăng ký. Các SIM được cho là từng gửi và nhận những tin nhắn văn bản quốc tế.

Viettel: “Cáo buộc một phía”

Phản hồi về thông tin này, Viettel cho biết thông tin nhà mạng Halotel có liên quan đến vụ việc này là cáo buộc một phía và chưa có kết luận chính thức từ tòa án Tanzania.

Số lượng 300.000 SIM nghi ngờ để sử dụng cho mục đích gian lận cước là do nhóm người nước ngoài thu mua từ hệ thống đại lý phân phối của nhà mạng. Halotel không trực tiếp bán SIM cho đối tượng người nước ngoài bị tình nghi.

“Đối với việc nhập khẩu, lắp đặt và sử dụng các thiết bị viễn thông nghi ngờ liên quan đến gian lận cước và qua mặt chính quyền quản lý là do nhóm người nước ngoài đang bị giam giữ thực hiện không liên quan đến Halotel”, thông cáo của Viettel khẳng định.

Nhà mạng quân đội nhấn mạnh sự việc vẫn đang trong quá trình điều tra của cảnh sát và tòa án nước sở tại. Halotel đang tích cực phối hợp với cơ quan điều tra để làm sáng tỏ sự việc, đồng thời đã thuê công ty luật có nhiều kinh nghiệm trong việc xử lý các trường hợp tương tự.

“Hiện tại Halotel có đầy đủ các chứng cứ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ông Lê Văn Đại và thương hiệu Halotel trước các cáo buộc của tòa án”, Viettel khẳng định.

Tanzania là thị trường tăng trưởng hàng đầu của Viettel trên thế giới. Ảnh: Viettel.

Theo báo cáo, Viettel đầu tư vào Tanzania từ năm 2004 với khoảng 800 triệu USD. Sau 3 năm hoạt đông, Halotel là nhà mạng lớn thứ ba tại Tanzania. Doanh thu của Halotel năm 2017 đã tăng trưởng 65% (mức tăng trưởng cao nhất trong các thị trường mà Viettel đầu tư). Halotel cũng tiết kiệm chi tiêu được gần 7 triệu USD trong khi vẫn đảm bảo chất lượng dịch vụ.

Tại Tanzania, tình trạng trốn thuế được coi là một vấn nạn. Tổng thống Tanzania John Magufuli đã sa thải người đứng đầu cơ quan viễn thông nhà nước vào năm 2016 vì giám sát yếu kém để xảy ra thất thu thuế tới 180 triệu USD mỗi năm kể từ năm 2013.

Sau khi nhậm chức vào năm 2015, ông Magufuli đã phát động chiến dịch chống tham nhũng và cam kết chấm dứt sự trốn thuế của các công ty đa quốc gia trong lĩnh vực khai thác mỏ và viễn thông.

Những đơn vị khai thác di động lớn ở Tanzania hiện có Vodacom Tanzania, một chi nhánh của Vodacom Nam Phi, Tigo Tanzania, trực thuộc Millicom của Thuỵ Điển và Bharti Airtel Tanzania.

Những năm gần đây, lĩnh vực viễn thông có tốc độ tăng trưởng nhanh ở Tanzania đã gặp nhiều trở ngại trong bối cảnh chính phủ nước này thắt chặt quy định. Trong đó đáng chú ý phải kể đến yêu cầu một công ty viễn thông phải niêm yết ít nhất 25% cổ phần trên thị trường chứng khoán địa phương.

Theo Zing News

Quỹ ngoại Singapore rút khỏi Vinasun

Do hoạt động kinh doanh liên tục sa sút, quỹ đầu tư GIC của Chính phủ Singapore đã bán toàn bộ 5,4 triệu cổ phiếu nắm giữ tại Vinasun.

Thua Grab, quỹ ngoại rút khỏi Vinasun. Ảnh minh họa

Quỹ đầu tư GIC Pte Ltd của Chính phủ Singapore là một trong những quỹ ngoại hoạt động năng nổ nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Hiện tại, quỹ này nắm giữ vốn tại rất nhiều DN lớn của Việt Nam, như 5,43% vốn tại Tập đoàn Masan; 5,01% cổ phần tại Tập đoàn PAN; 3,04% vốn tại Tập đoàn FPT, 7,96% vốn tại hãng taxi Vinasun…

Tuy nhiên, trong thông báo mới nhất gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, quỹ đầu tư này cho biết đã bán toàn bộ 5,4 triệu cổ phiếu VNS, tương đương 7,96% vốn Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun).

Trước đó, Government of Singapore đầu tư vào Vinasun từ tháng 8/2014, với giá trị khoảng 200 tỷ đồng (tương đương 45.000 đồng mỗi cổ phần). Với mức giá thoái chưa tới một nửa so với giá mua vào sau điều chỉnh, quỹ đầu tư này ước tính chịu lỗ gần 120 tỷ đồng.

Động thái thoái vốn khỏi Vinasun của cổ đông ngoại Government of Singapore diễn ra trong bối cảnh kết quả kinh doanh của hãng taxi này liên tục đi xuống, cùng với đó là giá cổ phiếu liên tục giảm mạnh.

Mặc dù ban lãnh đạo khẳng định DN này đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất từ khi thành lập, công ty mới đây vẫn thông qua việc cắt giảm kế hoạch năm thứ tư liên tiếp.

Năm 2018, Vinasun đặt mục tiêu tổng doanh thu xấp xỉ 2.160 tỷ đồng, giảm khoảng 1.070 tỷ đồng so với thực hiện năm trước. Doanh thu thuần cung cấp dịch vụ vận tải và nhượng quyền thương mại dự kiến đóng góp 2.000 tỷ đồng, phần còn lại đến từ thanh lý tài sản.

Với kế hoạch doanh thu giảm mạnh do vấp phải sự cạnh tranh thị phần quyết liệt từ các hãng taxi công nghệ, công ty cũng dự báo lợi nhuận sau thuế giảm phân nửa so với năm trước, xuống còn 95 tỷ đồng và trở thành mức thấp nhất trong vòng chín năm trở lại đây.

Kết quả đi xuống cùng với việc chưa tìm ra hướng kinh doanh phù hợp đã khiến cổ phiếu VNS liên tục giảm thời gian qua. Hiện, VNS chỉ được giao dịch với giá dưới 14.000 đồng/cổ phiếu, giảm hơn 3 lần so với đỉnh giá năm 2014, và giảm hơn 40% trong vòng 1 năm qua.

Sau khi GIC thoái toàn bộ vốn, cổ đông lớn nhất của Ánh Dương vẫn là ông Đặng Phước Thành – Chủ tịch HĐQT công ty với 24,92% vốn nắm giữ, tiếp đến là quỹ Tael Two Partners Ltd sở hữu 12,4 triệu cổ phiếu, tương đương 18,3% vốn DN. Ông Đặng Thành Duy – Phó tổng giám đốc Vinasun, con trai ông Thành, nắm giữ 7,97% vốn tại đây.

KTĐT

Toàn cảnh kinh tế Việt Nam 2017

Năm 2017 đã kết thúc, nền kinh tế Việt Nam đã có nhiều chuyển biến tích cực với những con số vô cùng ấn tượng và chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ nhiều mặt của nền kinh tế. Hãy cùng nhìn lại toàn cảnh nền kinh tế Việt Nam 2017 để có cái nhìn tổng quát nhất về những chuyển biến của nền kinh tế trong năm vừa qua.

 

 

Nguồn: Vietdata