Chống đối, không hợp tác
Theo Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc, sau 3 năm thi hành, Luật KTNN đã bộc lộ những vướng mắc, bất cập đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Ông Hồ Đức Phớc dẫn dụ, qua đối chiếu thuế 2.969 doanh nghiệp ngoài quốc doanh tại 43 địa phương, KTNN xác định nộp NSNN tăng thêm 1.684,6 tỷ đồng.
Ông Phớc cho rằng, việc trốn thuế, chuyển giá đang trở nên nhức nhối, làm thất thu lớn ngân sách nhà nước. Thời gian qua, KTNN đã phát hiện chuyển giá, trốn thuế ở các doanh nghiệp kể cả doanh nghiệp nước ngoài, như Unilever, Sabeco…truy thu ngân sách hàng chục nghìn tỷ đồng. Cuộc kiểm toán chuyên đề công tác quản lý hoàn thuế giá trị gia tăng tại Tổng cục Thuế và 19 tỉnh, thành phố, KTNN kiến nghị xử lý về số liệu liên quan việc thực hiện hoàn thuế chưa phù hợp quy định 1.396 tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo ông Hồ Đức Phớc, do nhận thức và áp dụng pháp luật của một bộ phận chưa thống nhất nên quan niệm “khi không là đơn vị được kiểm toán thì không chịu sự kiểm toán”. Từ đó, KTNN gặp không ít các trường hợp chống đối, không hợp tác, không chấp hành cung cấp tài liệu, KTNN kết luận, kiến nghị không thực hiện… Chính vì vậy, luật sửa đổi lần này cần quy định cụ thể đơn vị được kiểm toán để đảm bảo bao quát và phù hợp với đối tượng kiểm toán.
Bên cạnh đó, lãnh đạo KTNN cũng cho rằng, cần bổ sung quy định về chế tài đối với hành vi vi phạm pháp luật KTNN của đơn vị được kiểm toán và của tổ chức, cá nhân có liên quan. Bởi thực tiễn vừa qua đã có những đơn vị được kiểm toán đã: Không cung cấp hoặc cung cấp không đầy đủ, kịp thời các thông tin, tài liệu; cản trở việc kiểm toán; che giấu các hành vi vi phạm pháp luật về tài chính ngân sách… Đơn cử năm 2017, đã có 121 trường hợp không cung cấp tài liệu dẫn tới các đoàn kiểm toán không thể thực hiện kiểm toán được nội dung theo kế hoạch.
Đồng tình với đề xuất này, ông Đặng Thanh Sơn, Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật (Bộ Tư pháp) nhấn mạnh, việc xác định mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực KTNN có ý nghĩa hết sức quan trọng, là cơ sở để Chính phủ quy định các chế tài (khung tiền phạt) đối với từng hành vi vi phạm. Tuy nhiên, pháp luật hiện hành lại chưa có quy định thẩm quyền xử lý các sai phạm và xử phạt vi phạm hành chính của các chức danh thuộc KTNN.
Do không phải là cơ quan có chức năng kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm, nên khi phát hiện các sai phạm, KTNN không thể tự xử lý mà chỉ được kiến nghị cơ quan, người có thẩm quyền khác xem xét, xử lý. Hạn chế này làm ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của KTNN. “Việc quy định một số chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính cũng như cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN phải thuộc thẩm quyền của Quốc hội và phải được quy định trong Luật Xử lý vi phạm hành chính, hoặc Luật KTNN”, ông Sơn nêu quan điểm.
Bổ sung việc công khai, minh bạch